Cổng Tam Quan
Thưa quý khách, điểm dừng chân đầu tiên trong buổi thăm quan của quý khách là cổng Tam quan. Một điểm trình không thể thiếu trong các ngôi chùa ở Việt Nam. Tam quan theo cách nhìn của đạo phật là 3 cửa: Không quan, Trung quan, Giả quan. Ngưỡng cửa tam quan còn có một ý nghĩa đặc biệt hơn là nơi phân định danh giới giữa cõi phàm tục và cõi linh thiêng. Khi quý khách bước qua ngưỡng cửa tam quan cũng có nghĩa là quý khách đã bước vào miền đất phật, một miền đất hướng con người sống chân thiện và nhẫn, vào một thế giới khác tục, một thế giới có nhiều tính thánh thiện, để tìm lẽ cân bằng của cuộc sống và tìm lại chính bản thân mình. Khi bước qua ngưỡng cửa này theo quán tính quý khách sẽ cúi đầu và co gối bước qua, cúi đầu để tránh sự vấp ngã và cúi đầu cũng có nghĩa là cúi chào, thể hiện sự tôn kính của quý khách khi bước chân vào đất Phật. ngày hôm nay quý khách hãy hoan hỷ bỏ lại sau lưng mình, bỏ lại ngoài cửa tam quan những bộn bề nghĩ suy, Hãy sắp cho mình thân tâm trang nghiêm để buổi hành hương của quý khách được thư thái an lạc hơn.
Về mặt kiến trúc, quý khách sẽ thấy Tam quan được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ, để xây dựng tam quan, đã sử dụng khoảng 550 tấn gỗ tròn. Tam quan có lối kiến trúc kiểu chồng giường, cao 16,5m, rộng 13m, dài 32m. Điển hình quý khách thấy ở giữa Tam Quan có 4 cây cột trụ, mỗi cây cao khoảng 14m nặng 10 tấn. Vào Tam quan, theo hướng nhìn của quý khách từ ngoài vào trong, bên phải có đặt đức hộ pháp. Khuyến thiện, tay cầm viên ngọc, biểu tượng cho đạo pháp, với ý nghĩa khuyến khích người đời làm điều thiện. Bên trái đặt thờ đức hộ pháp Trừng ác, tay cầm thanh đao, với ý nghĩa khuyên răn người đời không nên làm điều xấu. Cả hai vị đều ngồi trên linh vật sư tử, mang ý nghĩa: lấy nền tảng của trí tuệ để hành đạo, hướng con người tới chân – thiện – mỹ. 2 vị hộ pháp thờ ở cổng Tam Quan với ý nghĩa: trông giữ chùa và kiểm soát tâm hồn người hành hương. Mỗi pho tượng có chiều cao 5.5m và nặng 30 tấn, được làm bằng đồng, do các nghệ nhân ở làng nghề Ý Yên Nam Định tại Việt Nam chế tác.
Bên trên tam quan có hình tượng bánh xe luân hồi, được chạm thông phong, biểu tượng sự chuyển vần không ngừng của phật pháp, của trời đất. Ở giữa có chữ Vạn, tượng trưng cho trí tuệ và lòng từ bi, quảng đại của đức Phật.