Bảo Tháp
Thưa quý khách, một trong những điểm đến nổi bật trong buổi thăm quan chùa Bái Đính của Quý khách ngày hôm nay là Bảo Tháp, xuyên xuốt hành trình thăm quan chùa Bái Đính, Quý khách đã được tìm hiểu khá nhiều về Quốc Sư Nguyễn Minh Không, không chỉ là 1 danh y nổi tiếng, Ngài còn là ông tổ của nghề đúc đồng, người tạo ra Tứ đại khí của nước Việt Nam là :
1.Tháp Báo Thiên
2.Chuông Quy Điền.
3.Vạc phổ Minh
4.Tượng phật Quỳnh Lâm.
Để ghi nhớ và cảm tạ công đức của Ngài. Sau gần 1000 năm nhà chùa đã cho phục dựng lại tứ đại khí hiển linh với mong muốn cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Một trong tứ đại khí đó chính là tháp Báo Thiên.
Với kiến trúc tinh tế chứa đựng những tinh hoa và tâm sức của các nghệ nhân, Bảo tháp hiện trở thành một biểu tượng linh thiêng của chùa Bái Đính. Kết cấu của Bảo tháp mang đậm nét văn hóa của Việt Nam. Tháp có 13 tầng, cao 100m, chân tháp là hình lục giác kiên cố với chu vi 30m. Bao phủ toàn bộ phần ngoài Bảo tháp là gạch nung Bát Tràng với hoa văn trang trí mang phong cách nghệ thuật thời Lý như mây bay, sóng nước, cánh sen. Xung quanh 6 cạnh là những tượng Phật nhỏ bằng đá được đặt hài hòa từ chân lên đến ngọn Tháp, tạo thêm điểm nhấn đặc biệt cho nơi đây. Để xây dựng một Bảo tháp độc đáo và ấn tượng như này là nhờ sự khéo léo tài tình của hàng trăm nghệ nhân điêu khắc đến từ Ấn Độ và các kiến trúc sư, nghệ nhân giỏi trong nước.
Bước vào phía trong Bảo tháp quý khách như lạc vào một không gian lộng lẫy, ngập tràn sắc vàng. Ngay giữa trung tâm tầng một của Bảo tháp là tượng Phật thích ca mâu ni bằng đồng dát vàng rực rỡ, được đặt trên bệ thờ bằng đá xanh chạm khắc rồng, hoa sen và các linh vật một cách rất tinh xảo. . Ngài có cách kết ấn xúc địa có nghĩa là chạm vào trái đất. Hay còn có tên khác “gọi trái đất chứng Minh‘’
Nhìn lên 6 mặt tường là những bức phù điêu miêu tả chân thực cuộc đời của Đức Phật kể từ khi sinh ra đến khi tu hành chính đạo. Đến đây, quý khách đi cầu thang bộ qua 62 bậc, chiêm ngưỡng hệ thống phù điêu đá được trạm khắc sắc nét, cầu kỳ, mô phỏng lại các điểm tích trong cuộc đời Đức Phật và đi thang máy lên tầng cao nhất, tầng 13 của Bảo tháp.
Tầng 13 của Bảo tháp là nơi an vị đặt Xá lợi của Đức Phật được cung nghinh từ Ấn Độ, Thái Lan và Myanmar vào năm 2008. Tương truyền rằng, sau khi Ngài viên tịnh, các đệ tử làm lễ trà tì, khi lửa tàn họ phát hiện trong tro có 84000 tinh thể trong suốt tỏa ra những tia 5 màu mà sau này gọi là xá lợi Phật. bởi vậy quý khách thấy cờ của phật giáo thường có 5 màu, đây cũng chính là màu của xá lợi phật. Xá Lợi Phật có đặc điểm và cấu tạo rất đặc biệt, va đập không vỡ, thiêu không cháy, hoà vào nước không tan, luôn nổi trên mặt nước và tự gắn kết với nhau theo chiều kim đồng hồ. Đây được coi là bảo vật của Phật giáo. Trên trần Bảo tháp được thiết kế theo phong cách Ấn Độ huyền bí, chạm khắc trên đó là hình ảnh Đức Phật, là hình tượng đài sen, chim lạc gắn trên các vách gỗ.
Thưa quý khách, Có thể nói, khi đặt chân đến đây, nơi linh thiêng đặt xá lợi Phậtquý khách không chỉ được chiêm bái Phật, thấm nhuần những ý niệm sâu sắc của đạo Phật, mà còn được chiêm ngưỡng toàn cảnh chùa Bái Đính nguy nga, hùng vĩ giữa những núi non trùng điệp xen lẫn thiên nhiên đất, trời.
Sau khi chiêm bái Xá Lợi, mời quý khách xuống tầng 12 chiêm bái cảnh chùa.
Đứng trên tầng 12 của Bảo Tháp quý khách sẽ được chiêm bái toàn cảnh núi chùa Bái Đính Phía xa là khu bát chính đạo bên tay phải là núi “Hàm Rồng”. Bên tay trái là núi Lê, núi Khám, núi U Bò. Phía trước là Hồ Đàm Thị, thân mẫu của Vua Đinh Tiên Hoàng. xa hơn nữa là dòng sông Hoàng Long đầy ắp huyền thoại. Bên kia sông là quê hương của Vua Đinh Tiên Hoàng và cũng là quê hương của Quốc Sư Nguyễn Minh Không. Người đã có công đầu tiên sáng lập ra khu chùa Bái Đính nhìn toàn cảnh nơi đây như một bức tranh sơn thủy hữu tình, âm dương đối đãi. Tất cả các ngọn núi và dòng sông tạo thành một chữ tâm. Chính vì thế nhà chùa đã chọn nơi đây để mở rộng chùa Bái Đính.
Bảo tháp thờ Xá lợi Phật Thích ca Mâu ni nói riêng và chùa Bái Đính nói chung, được xây dựng như một biểu tượng để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa tâm linh, tín ngưỡng đạo Phật từ ngàn đời nay của người Việt Nam chúng tôi, góp phần không nhỏ đưa vùng đất Cố Đô dần trở thành Trung tâm Phật giáo của cả nước. Tôi mong rằng quý khách đến đây để được tĩnh tâm , thư thái và cầu nguyện mọi sự tốt đẹp, an nhiên trong cuộc sống.
Sau đây, mời quý khách di chuyển xuống tầng 1 để đến thăm quan điện Quán Âm, điện cuối cùng của chùa Bái Đinh. Cám ơn quý khách đã lắng nghe.